Bài báo Tạp chí
Nguyễn Trần Hưng - Hiệu quả quản lý nhà nước đối với bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam - nghiên cứu từ các doanh nghiệp bán lẻ
JEL Classifications: L81; G38; L81.
Mã số: 195.1TrEM.11
DOI: 10.54404/JTS.2024.195V.02
Bên cạnh việc tham gia vào các sàn như: Lazada, Thegioididong, Sendo, Shopee, Tiki… các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam còn sử dụng loại hình bán lẻ trực tuyến (BLTT) qua các kênh mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Tiktok… đã trở nên phổ biến tại Việt Nam. Chi phí của hoạt động BLTT trên các mạng xã hội không đáng kể, một doanh nghiệp BLTT có thể sở hữu nhiều tài khoản bán hàng khác nhau và rất khó truy vết hoạt động của doanh nghiệp BLTT trên mạng xã hội. Thực tế này đã gây ra nhiều khó khăn, bất cập cho công tác quản lý Nhà nước (QLNN) đối với BLTT trên nhiều khía cạnh khác nhau như: quản lý thuế, quản lý chất lượng và xuất xứ hàng hóa, an toàn thông tin cá nhân, bảo vệ người tiêu dùng khi tham gia giao dịch, giải quyết các tranh chấp phát sinh trong BLTT. Dựa trên các nghiên cứu có liên quan đến các vấn đề về thực tiễn phát sinh trong QLNN về BLTT, tác giả đã xây dựng mô hình đánh giá hiệu quả QLNN đối với BLTT có xem xét tác động điều tiết của biến giới tính trong mô hình và thực hiện khảo sát với đối tượng là các doanh nghiệp BLTT của Việt Nam. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng: các hoạt động QLNN về thuế, về bảo vệ người tiêu dùng, về bảo vệ thông tin cá nhân và khiếu nại, tố cáo, xử lý tranh chấp đang được thực hiện khá tốt bởi các yếu tố này đều có tác động tích cực tới hiệu quả QLNN đối với BLTT. Trong khi đó, các hoạt động QLNN về hàng hóa và về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong BLTT chưa được thực hiện tốt và có tác động tiêu cực tới hiệu quả QLNN đối với BLTT. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, biến giới tính không có sự điều tiết đáng kể tới tác động của các mối quan hệ trong mô hình nghiên cứu. Tác giả cũng đưa ra một số hàm ý giải pháp để tăng cường hiệu quả QLNN đối với BLTT tại Việt Nam trong thời gian tới dựa trên các kết quả nghiên cứu đã được phân tích.